Tuỳ bút "Chiến thắng nỗi sợ thất nghiệp"
Chương 4: Ứng phó với căng thẳng khi thất nghiệp
Nghỉ làm sướng lắm ai ơi,Ăn rồi nghỉ ngủ chơi bời hết ngày.Chỉ là không có tiền xài,Than thân trách phận đâu ai hiểu nè.- Admin la cà -
Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nghỉ việc khá lâu nhưng đôi khi lại không kìm được cảm xúc. Tâm trạng lúc ấy cũng không định lắm, chia tay cứ vui vẻ mỉm cười nè, đừng để lại sự luyến tiếc. Các tiền bối chia sẻ kinh nghiệm rằng có khi thất nghiệp đến cả năm vẫn ổn nên tôi cũng cảm thấy như đồng cảm và năng lượng tích cực hơn xíu.
Thời sinh viên có lúc chỉ cầm hơi nửa gói mì nên dù bây giờ kinh tế khá hơn thì mình cũng căng thẳng (stress) dữ lắm. Cũng may là có sự động viên của những người bạn đồng nghiệp cũ. Bất quá là vừa đi khất thực vừa tiếp tục sáng tác thôi. Có lẽ lúc xưa chọn sai ngành mất rồi chăng, nếu như quay trở lại tôi sẽ theo nghiệp văn chương, báo chí, truyền thông.
Theo nghiên cứu gần đây, trong giai đoạn Hậu COVID-19 - thời điểm tình hình kinh tế, xã hội đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức, "layoff" (sa thải) trở nên quen thuộc. "Người bị cắt giảm có thể trải qua giai đoạn khó khăn và hụt hẫng, nhưng áp lực lớn hơn vẫn đang đè nặng lên vai những người được doanh nghiệp giữ lại". Có lẽ chính vì vậy mà tôi nộp đơn nghỉ việc thay vì cứ chịu đựng mãi những ám ảnh bị đuổi việc, phải cố gắng phục tùng hết mức mà chưa được công nhận xứng đáng. Quyết định này của tôi có thể là chưa đúng trong thời điểm kinh tế khó khăn nha mọi người.
Tôi đã trải qua rất nhiều thay đổi, qua nhiều triều đại, nhiều người đồng nghiệp cũ đã rời đi trước tôi từ rất lâu. Sếp tôi bảo đó là quy luật tất yếu, người đến rồi đi, đừng quá bị cảm xúc chi phối. Nhưng sao không buồn được vì có những đồng nghiệp làm việc rất ăn ý đã đồng hành với nhau trong công việc. Đúng là người ở lại sau những quy trình chọn lọc thì tâm lý cũng bị nhiều ức chế.
Có phải là do tôi cố chấp, sống trong quá khứ, nó trở thành trở ngại trên hành trình thay đổi. Khi được góp ý thẳng thắn thì tôi lại cảm thấy khó chịu và muốn dứt khoát ra đi. Tôi cứ ở lại đây làm gì khi hoàn cảnh môi trường đã không còn như xưa. Tôi càng bất mãn, càng thấy mọi thứ tiêu cực, phũ phàng hơn. Tôi vẫn hay ước rằng mình bị đuổi việc để khỏi phải nghĩ ngợi nhiều. Việc tự xin nghỉ khi chưa sẵn sàng cũng sẽ gây ra nhiều sự tiếc nuối lắm mọi người ạ.
Ngày cuối cùng bước ra khỏi công ty, tôi không dám chào đồng nghiệp vì sợ không kìm được cảm xúc. Cũng may là hôm ấy chỉ có vài người đi làm, tiệc chia tay đã làm ngày hôm trước tràn ngập tiếng cười. Đó sẽ là những kỷ niệm đẹp trong hành trình mới, mặc dù chưa biết là sẽ làm gì. Cảm xúc là quan trọng nhất, sếp bảo tôi là cứ nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng.
Đồng nghiệp tôi bảo là nghỉ việc thì cứ mang mọi thứ về hết để không phải nhung nhớ, luyến tiếc điều gì. Cũng có nhiều người nghỉ làm rồi quay trở lại nhưng tuỳ vào ngữ cảnh có hợp không. Cũng có những người nên ra đi từ sớm mà họ cứ ở lại chờ đợi điều gì đó. Hoặc là có những người năng lực quá yếu kém không dám từ bỏ công việc. Khi bạn không đáp ứng được nhu cầu thị trường khốc liệt thì sẽ luôn có người trẻ hơn, giỏi hơn thay thế bạn với mức lương hợp lý hơn.
Tôi thường hay e ngại đối mặt với thực tại nên những ngày làm việc cuối thì tôi cố gắng bận rộn để khỏi suy nghĩ nhiều. Tin tôi đi, bận rộn là liều thuốc tốt nhất để ổn định tâm lý, đừng nghĩ vu vơ nhưng mà cũng đừng bận rộn quá mà chuyển căng thẳng rồi kiệt sức. Những bạn đồng nghiệp đã cho tôi nhiều lời khuyên và những trải nghiệm khi thất nghiệp: có người còn dùng kẹo an thần để dễ ngủ hơn, có người nằm lì ở nhà buồn rầu, có người thì lăn xả vào việc khác để kiếm tiền.
Ngày đầu tiên thất nghiệp đúng là thoải mái nhưng trút được gánh nặng ngàn cân. Ngay cả khi bạn trốn việc đi chơi cũng sẽ không cảm thấy thoải mái như vậy đâu. Nghe nói rằng những ngày tháng đầu rất vui, tự do muốn làm gì mình thích cũng được. Em gái tôi nói rằng cứ ăn ngủ xem phim trong những ngày thất nghiệp cũng là có ích rồi, không báo gia đình quá nhiều, cứ để mặc mộc, ăn mặc xuề xoà cũng là cách thử lòng người khác. Nhưng với người sống kỷ luật thì mọi nguyên tắc dần bị phá vỡ. Tôi dự định ôn luyện tiếng Anh, thuật toán này nọ nhưng cứ trì trệ. Tôi cũng dành thời gian để thử sức những mảng khác như làm khùng làm điên trên khắp mạng xã hội. Nhiều bạn cũng chuyển qua buôn bán này nọ nếu có duyên. Để rồi tôi nhận ra cái nào mới phù hợp với mình, có thử mới biết được chứ.
Giờ tôi mới hiểu cảm giác của những người lớn tuổi, thật sự thì khi mình không làm ra tiền sẽ có cảm giác rất khó chịu. Đúng là tâm trạng khi thất nghiệp sẽ lên xuống thất thường, lúc vui lúc buồn, dễ bị rối loạn cảm xúc lắm. Hãy cố cân bằng cảm xúc nè đừng để bị rối loạn lo âu, trầm cảm quá mức, dẫn tới rối loạn nhân cách hoặc dồn nén các tổn thương, sang chấn. Bạn sẽ có thể bị mất kiểm soát, kiệt sức trước những lo lắng thái quá, những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại trong đầu. Thật ra những điều này thì ai cũng biết nhưng làm sao mà có thể tránh khỏi nếu tâm lý không vững?
Theo lời khuyên từ chuyên gia: Chăm sóc bản thân, vận động thể chất, duy trì mối quan hệ lành mạnh là cách ứng phó với căng thẳng khi thất nghiệp. Tôi cũng đang dần mất đi định hướng, làm lập trình viên mười mấy năm, cứ làm nhận lương rồi đánh mất đam mê. Tôi đang tìm lại bản thân, tại sao lúc trước nhà không có điều kiện tiếp xúc tin học thì tôi lại yêu thích công nghệ đến vậy. Tôi đã khởi đầu từ số không, trở nên yêu thích việc lập trình, giao tiếp tiếng Anh phục vụ công việc. Vậy mà bây giờ tôi mất tự tin, không tìm thấy hướng đi?
Tôi nghĩ chương này mạch cảm xúc lung tung, rối loạn và thất bại nhất nhưng nó khá là chân thật. Mời mọi người đón đọc những chương tiếp theo về định hướng bản thân, tìm lại đam mê và những drama cung đấu vô cùng tận nơi công sở.
Tham khảo: