Tuỳ bút "Chiến thắng nỗi sợ thất nghiệp": #3 Hậu cung chốn công sở

0

 

Tuỳ bút "Chiến thắng nỗi sợ thất nghiệp"

Chương 3: Hậu cung chốn công sở

Đi làm đã mệt lắm rồi,
Tranh giành đấu đá than ôi đủ trò.
Hậu cung công sở chua ngoa,
Người đi kẻ ở âu lo hao gầy.
- Admin la cà -

    Ai cũng mong muốn môi trường làm việc lý tưởng nhưng đôi khi lại không như mong đợi. Cũng có thể đây là yếu tố quyết định việc ở lại hay rời đi? Tôi nghĩ là ở đâu cũng có drama - những câu chuyện ứng xử có diễn tiến hồi hộp, nội dung kịch tính và gay cấn.  Mỗi cây mỗi hoa, mỗi công ty mỗi cảnh, nhiều cá nhân làm việc với nhau sẽ luôn có vấn đề, tuỳ vào cách mình hoà nhập hay bài xích nó thôi.
    “Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác” (Franz Schönthan von Pernwaldt). Đây là nguồn cơn của những cơn sóng gió nơi công sở. Khiến công ty chẳng khác nào chốn hậu cung nhiều tranh đấu là thế. Nhiều người bảo rằng công ty nào cũng thường chia bè phái, nói xấu nhau, người hiền lành bị đè đầu cưỡi cổ. Mọi người đanh đá, hơn thua nhau từng chút một, ai cũng thể hiện bằng mặt mà không bằng lòng. Nhiều người cảm thấy bị cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi vì chán nản với những thị phi nơi công sở... đến mức chỉ muốn bỏ việc.
    Tôi từng nghĩ công ty lập trình nhiều nam giới thì sẽ ít drama hơn. Nhiều bạn đến công ty ngồi đeo tai phone làm việc đến hết buổi rồi về. Tôi cũng nằm trong số ấy nhưng sóng gió không hề bỏ qua tôi. Lúc ấy bên văn phòng đây khá là thoải mái vì sếp ở nước ngoài. Văn hoá công ty do một số người có chức vụ và cá tính xây dựng nên. Tôi đã chứng kiến việc cô nhân sự mới bị bắt nạt đến mức khóc lóc trong công ty. Theo kiểu "ma cũ bắt nạt ma mới" vẫn thường xảy ra như ngoài chợ búa. Cái nghề quản lý nhân sự HR (viết tắt của Human Resources) thường là nghề của những người khôn khéo. Đôi khi nắm quyền sinh sát trong tay "dưới một người mà trên vạn người". Điều này thì mọi người phải tự kiểm nghiệm nha.
    Văn hoá công ty đôi khi được quyết định bởi những người như nhân sự hay team lead (lãnh đạo nhóm) và bè phái theo cùng. Tôi chọn lối đi riêng là im lặng, không muốn quá thân với ai. Vậy mà tôi bị gom chung vào nhóm những đứa mà họ bảo là "lầm lì, ít nói, biến thái". Họ còn cố tình nói lớn trước mặt mà lúc ấy tôi cứng đơ không biết làm gì. Không lẽ tôi cũng đi nói xấu họ là nhóm "thảo mai, giả tạo, gian dối" sao? Khi ra trường đi làm thì thói đời sẽ toi luyện bạn, những sự va vấp này sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Người ta có thể nói bạn tự kỷ, biến thái khi không hoà nhập cộng đồng. À mà cái cộng đồng của họ là một nhóm chơi chung cùng đằng cấp và hay nói xấu người khác á.
    Theo nghiên cứu khoa học về "Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây" thì rõ ràng đấy là chuyện bình thường trước giờ. Đằng sau sự ghen tị cũng là sự tự ti khi nói xấu người khác. Người ta vui vì “so sánh xuống”, những sự yếu kém ấy sẽ khiến họ cảm thấy bản thân tốt hơn. Niềm vui độc địa xảy ra khi chứng kiến kẻ khác gặp nạn, dù không nhất thiết góp tay tạo ra cái hoạn nạn đấy. Với nhiều người cần một liều thuốc mạnh hơn là họ tàn nhẫn để giải khuây. Giống như dư luận xã hội cùng góp sức chửi rủa những hành động xấu được phơi bày trên mạng. Họ có thể nhân danh chính nghĩa mà làm nhục tinh thần người phạm lỗi một cách quá đà. Đã có nhiều sự việc tự sát từ áp lực miệng đời. Có thể nói là chết cũng không thoát, phải chăng chúng ta đang sống trong một văn hóa của sự căm ghét và làm nhục?
     Làm thế nào để nói xấu người khác đúng cách? Nghe thật vô lý nhưng việc nói xấu cũng có mặt lợi ích và phải biết nhận định chính xác. Như là không chỉ đích danh nhân vật bị nói xấu, nói xấu đúng trọng tâm của vấn đề, hãy nhìn nhận khía cạnh tích cực nào đó khác của họ rồi rút ra bài học cho bản thân soi xét, định hướng lại cho mọi người. Nói xấu người khác là một hình thức xả stress cực kỳ tốt đối với nhiều người. Đôi khi cứ giữ đó rồi giả tạo thì sẽ đến ngày không khống chế được hành vi bản thân mình. Nói xấu giúp chúng ta kết nối hơn với bạn bè và giúp giảm bớt sự... tự ti. Trong triết học thì bảo mâu thuẫn là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Sau khi mổ xẻ, phân tích nhiều mặt lợi hại như thế thì chúng ta sẽ ít nhiều rút ra được điều gì đó, một hướng đi, kinh nghiệm mà chúng ta cho rằng nó sẽ tốt hơn cho bản thân chúng ta.
    Bản thân tôi đã tự bước ra khỏi vùng cô lập, bắt đầu nói chuyện với những người bị cô lập giống tôi và cả nhóm thượng lưu trong công ty. Tôi hoà nhập chứ không hoà tan, để nắm bắt những cung đấu này và hoá giải nếu có thể. Tất nhiên đôi khi tôi cũng rơi vào trạng thái nói xấu quá đà khi thấy nó có tác dụng gắn kết nhóm yếu thế. Tin tôi đi, nếu bạn ở giữa hoà giải thì sẽ bị coi là kẻ mà "gió chiều nào, che chiều ấy" và sẽ không được bên nào tin tưởng hoàn toàn. Mình nên khéo léo giao tiếp hơn, cái này thì không sách vở nào dạy bạn tốt hơn bằng cuộc đời đâu.
    Đôi khi căng thẳng đến mức công ty chia thành phe đi ăn ở ngoài và phe đặt đồ ăn chung. Một phe làm dự án trọng điểm của công ty được cưng chiều quá mức thì cũng là tâm điểm để mọi người đồn đại ngoài hành lang. Nào là bị chê là dơ, ăn nói hàm hồ, kiêu căng khi tự nhận công lao. Căng thẳng đến mức tôi cũng không dám nói chuyện với team ấy, sợ bị ghép vào chung nhóm rồi bị tẩy chay. Mặc dù tôi cũng bị khép vào nhóm tự kỷ, theo cách họ nói thì tôi như kẻ bại não, sống ảo trên mạng xã hôi, đi làm thì "có họng ăn chứ không có họng nói". Họ đánh giá tôi là ù lì, thụ động trong công việc nhưng tôi nghĩ là team của tôi rõ hơn, mặc kệ những lời bịa đặt đó. Bản thân tôi cũng cố gắng tiếp nhận những lời nói xấu ấy để thay đổi tốt hơn.
    Nếu như tôi chống đối xã hội, làm ầm lên thì chắc chắn đã nghỉ việc cả chục lần rồi. Đã qua nhiều triều đại thay đổi, đến phút cuối tôi chỉ muốn nghỉ ngơi thôi. Bạn hãy mạnh mẽ nào, hãy cứng rắn một cách bản lĩnh, đừng ngại góp ý trước mặt, đỡ hơn là mình cứ nói xấu sau lưng rồi người ta không biết đường sửa. Những ngày cuối làm việc ở công ty, tôi cũng khuyên các em nên nói ít làm nhiều, hãy thành thật nhận góp ý và thay đổi, cống hiến để công ty ghi nhận. Còn nếu như công ty không ghi nhận nỗ lực của bạn nữa thì đó lại là câu chuyện khác mà tôi sẽ đề cập sau.

Tags

Đăng nhận xét

0Nhận xét
Đăng nhận xét (0)
Đọc tiếp: