Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ra thông báo về tình trạng giả mạo văn bản của cơ quan này yêu cầu cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngày 19/7/2024, BHXH Việt Nam nhận được thông tin từ BHXH tỉnh Bình Dương về việc có một văn bản giả mạo BHXH Việt Nam với số ký hiệu 2133/BHXH-CSYT ngày 01/7/2024 được gửi đến 1 trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email với nội dung:
"Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP và triển khai Bảo hiểm số VSSID 4.0. Đồng thời hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VSSID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp. Yêu cầu (1) BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cập nhật mới ứng dụng VSSID 4.0 theo đúng quy định của Bộ Lao động. (2) Người dân nhanh chóng cập nhật mới ứng dụng VSSID 4.0 theo sự hướng dẫn của cơ quan BHXH tỉnh bằng thiết bị di động cá nhân để đảm bảo được nhận đầy đủ thông tin và đầy đủ các quyền lợi của BHXH về sau".
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định đây là văn bản giả mạo nhằm thông tin về ứng dụng VssID 4.0 mà kẻ giả mạo lập trên app để lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân và tiếp đó là đánh cắp tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành BHXH.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý thông tin mạo danh BHXH Việt Nam trong chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
1. Kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trên địa bàn quản lý biết thông tin hình thức giả mạo văn bản để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng BHXH số VssID của BHXH Việt Nam theo Văn bản số 2207/KH-BHXH ngày 12/8/2022 của BHXH Việt Nam.
2. Chỉ tiếp nhận và xử lý văn bản của BHXH Việt Nam gửi qua Hệ thống văn bản quản lý và điều hành (phần mềm Eoffice) hoặc trường hợp văn bản mật, văn bản giấy gửi theo hệ thống bưu cục Trung ương, Bưu điện; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời nhận biết, ngăn chặn các thông tin giả mạo ngay từ khi phát hiện.
3. Khi nhận được các thông tin có dấu hiệu giả mạo, văn bản nhận không chính thống từ BHXH Việt Nam và các cơ quan đơn vị trong ngành, phải báo cáo, phản ánh về BHXH Việt Nam để kịp thời chỉ đạo thông tin trong toàn ngành và cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, ngày 01/7/2024, BHXH Việt Nam có ban hành văn bản số 2133/BHXH-CSYT về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHXH áp dụng mức lương cơ sở theo nghị định số 73/2024/NĐ-CP do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa ký và đã phát hành trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của BHXH Việt Nam. Theo đó, yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở Khám chữa bệnh BHYT thực hiện công văn số 3687/BYT-BH ngày 01/7/2024 của Bộ Y tế nhằm đảm bảo quyện lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định.
Mạo danh cán bộ bảo hiểm xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Gần đây xuất hiện tình trạng các đối tượng mạo danh cán bộ bảo hiểm xã hội yêu cầu người dân kết bạn Zalo, hỗ trợ cập nhật VssID, đồng bộ thông tin... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.
Cụ thể, một số đối tượng đã gọi điện tự giới thiệu là cán bộ đang công tác tại BHXH tỉnh và yêu cầu người dân cập nhật căn cước công dân vào ứng dụng trên điện thoại di động, đồng bộ dữ liệu với ứng dụng VNEID (Ứng dụng định danh điện tử của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) bằng cách truy cập vào đường link lạ có đuôi ".govvvn.com" và làm theo hướng dẫn.
Khi truy cập vào đường link này, màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam.
Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân kết bạn Zalo, hỗ trợ cập nhật, đồng bộ thông tin và yêu cầu thu phí hỗ trợ qua mã QR. Sau khi quét mã QR và bấm vào xác nhận, các đối tượng liền chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản của người dân.
Để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, người dân không kết bạn Zalo với người lạ, không bấm vào các đường link lạ hay cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân, nhận diện khuôn mặt… cho người lạ để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo.
Cùng với đó, người dân cần tăng cường cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách bảo hiểm, thường xuyên theo dõi thông báo của các cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn lừa đảo trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện giao dịch.
Khi phát hiện bị lừa đảo bằng phương thức, thủ đoạn trên, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý theo quy định của pháp luật.